Điểm đến du lịch liên quan:

Phú Yên

Tục lễ bỏ mã của người Ê Đê Phú Yên

Tục lễ bỏ mã của người Ê Đê Phú Yên

Lễ bỏ mả của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là một nghi thức trang trọng trong tang lễ, được tổ chức để từ biệt người chết. Đây còn là dịp sinh hoạt văn hóa cổ truyền dân tộc Ê Đê với nhiều hoạt động hội tụ các giá trị tâm linh trong đời sống của người Ê Đê tại Phú Yên.

Ở xã Krôngpa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên phần lớn là người Êđê sinh sống. Êđê là một trong 54 dân tộc anh em ở nước ta, có đời sống văn hóa lễ hội rất phong phú và đa dạng, trong đó, lễ bỏ mả được xem là một trong những lễ hội rất đặc sắc. Trong chuyến đi thực tế, chúng tôi được đến thăm Buôn Thu, Buôn Lé A, Buôn Lé B và được nghe các nghệ nhân, già làng nói về tập tục ở lễ hội này.

Tục lễ bỏ mã của người Ê Đê Phú Yên
Cổng nhà rông người ê đê
Tục lễ bỏ mã của người Ê Đê Phú Yên

Các bạn nghe già làng kể về phong tục tập quán của dân tộc Êđê

Lễ bỏ mả của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là một nghi thức trang trọng trong tang lễ, được tổ chức để từ biệt người chết. Đối với người đồng bào, đây còn là dịp sinh hoạt văn hóa cổ truyền với nhiều hoạt động hội tụ các giá trị tâm linh trong đời sống. Lễ bỏ mả là một lễ hội lớn mang tính chất tang lễ, được người sống tổ chức để từ biệt, tiễn đưa người đã khuất về nơi vĩnh hằng. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp sinh hoạt cộng đồng với nhiều hoạt động cổ truyền như: hiến tế bằng súc vật, lễ cúng và chia của cải cho người đã khuất...Theo phong tục của người Êđê, từ một năm trở lên, có khi ba đến năm năm, hoặc lâu hơn nữa, người chết được tiễn đi một chuyến vĩnh viễn về buôn của người chết để có khả năng phục sinh, đầu thai kiếp khác. Tuy nhiên, chỉ có những người chết còn nguyên vẹn thân xác thì mới được làm lễ bỏ mả. Do đó, lễ bỏ mả thường được tổ chức đúng một năm của người đã chết, gia đình có thể sửa chữa mả theo ý muốn của gia đình và dòng tộc sao cho đẹp và chắc chắn, tùy theo khả năng kinh tế của mỗi gia đình. Mái có thể làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, bằng ngói hay lá, cột bằng gỗ hay bằng bê tông, nhưng kích thước phải giống nhau, có phần đất để chôn, giống như một căn nhà của người đang sống. Trong một năm đó, người thân của người đã khuất sẽ đem cơm nước, đem đồ đạc, tất cả mọi thứ thân thuộc đối với người đã khuất đặt cạnh mộ, với mục đích cho họ tiêu dùng ở thế giới bên kia.

Một số hình ảnh xây nhà mả:
Tục lễ bỏ mã của người Ê Đê Phú Yên

Tục lễ bỏ mã của người Ê Đê Phú Yên

Tục lễ bỏ mã của người Ê Đê Phú Yên

Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả, người sống mới yên tâm rằng mình đã làm tròn bổn phận với người đã khuất, và người chết mới có thể tái sinh vào kiếp khác, tiếp tục một cuộc đời mới. Đối với những người vợ có chồng đã khuất và ngược lại, thì sau khi lễ bỏ mả diễn ra họ có quyền được tái giá để tìm kiếm nửa còn lại cho cuộc đời mình. Chính do ý nghĩa nhân sinh này mà lễ bỏ mả mặc dù theo hình thức tang lễ nhưng lại là hội lễ lớn nhất, vui nhất. Khác với người Kinh thường tổ chức đám giỗ hằng năm cho người đã mất để tưởng nhớ, thì ở dân tôc Êđê, sau khi lễ bỏ mả diễn ra, gia đình không làm bất cứ điều gì đến mả nữa.

Cách thức tổ chức lễ bỏ mả khá công phu. Nhà đó phải chuẩn bị đủ gạo, thịt, rượu, đồ dùng cúng lễ nói chung rồi báo tin cho họ hàng, già làng, người dân trong buôn làng tới dự. Phải có hàng chục người chặt gỗ, đẽo tượng làm nhà mả hàng tháng trời trước lễ bỏ mả và có khi lên tới cả trăm người đến dự và ăn uống trong những ngày chính lễ. Tùy theo khả năng kinh tế gia đình mà mỗi nhà sẽ tổ chức khác nhau cho các mả, có gia đình làm 3-4 con trâu bò nhưng cũng có gia đình làm đến cả 10 con bò. Người ta trồng cây chuối đầu và cuối mộ, thả gà nhỏ vào rừng, tượng trưng cho linh hồn người chết tự do bay đi. Mọi thứ chuẩn bị xong xuôi thì lễ bắt đầu. Ngày đầu tiên là ngày bỏ nhà mả cũ, dựng nhà mả mới. Gia chủ thịt lợn, cúng rượu. Cả buôn làng tới làm giúp, ăn uống, vui chơi như là làm việc nhà mình. Nhà ai có rượu cần thì mang theo tham gia cùng gia đình. Khi dựng xong nhà mả, cả nhà và họ hàng đến đó cúng. Khi thầy cúng cúng tế vừa xong, thì lập tức, tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã

Tục lễ bỏ mã của người Ê Đê Phú Yên

Sang ngày hôm sau, mọi người tập trung tại nhà rông rồi mới ra nhà mả. Gia chủ chuẩn bị sẵn sàng rượu, thịt để làm lễ to hơn. Đây là lễ cúng chính vĩnh biệt hồn người chết. Những người thân của người đã khuất đưa những người góa ra sông tắm, chải đầu, mặc áo váy mới cho họ rồi đưa họ về khi nhà mồ đang rộn ràng tiếng cồng chiêng và nhịp chân nhảy múa. Từ nay, họ đã không còn ràng buộc gì với người đã chết nữa. Họ sẽ tự chọn hướng đi mới cho mình.

Lễ bỏ mả là một lễ hội gắn với việc tang nhưng lại vui vẻ bởi theo quan niệm của người Êđê, thì càng sớm làm lễ bỏ mả khi nào thì linh hồn người chết càng sớm được chuyển thế, nhập vào trẻ sơ sinh mà quay về dương thế, sống với đồng tộc sớm chừng ấy. Hơn nữa, đây là dịp thể hiện trách nhiệm cộng đồng, gia đình, người thân với người đã khuất. Đồng thời, lễ bỏ mả cũng có một ý nghĩa hết sức nhân văn, sau lễ bỏ mả thì vợ hoặc chồng của người chết mới được tái giá. Rõ ràng, việc làm lễ ở đây không chỉ vì người chết mà còn là vì người sống nữa. Những ngôi nhà mồ với các bức tượng, cùng lối kiến trúc trang trí mang tính nghệ thuật độc đáo, đây thực sự là phong tục tập quán thể hiện rõ nét văn hóa của núi rừng Tây Nguyên đặc sắc cần được giữ gìn và bảo tồn.

Bottom Ads
Right Ads