Lịch sử hình thành Ga Xe Lửa Đà Lạt
Ga hỏa xa Đà Lạt do kiến trúc sư Revéron thiết kế với khái niệm sáng tác theo hình thức kiến trúc Anglo – normand mới, chịu nhiều ảnh hưởng của kiểu kiến trúc hiện đại. Kiến trúc sư Moncet đã hoàn chỉnh thêm một số chi tiết của hồ sơ thiết kế này và giám sát công trình.
Công trình khởi công năm 1935 và hoàn thành năm 1938. Đây là lần đầu tiên người ta đưa yếu tố mỹ thuật kiến trúc và ý nghĩa của công trình vào việc xây dựng một công trình có tính mỹ thuật.
Tổng quan Nhà Ga Đà Lạt
Toàn bộ khu vực ga nằm trên một khu vực bằng phẳng và rộng rãi. Nhà ga có chiều dài 66m, chiều rọng 11.5m, chiều cao đại sảnh 11m. Mặt bằng được tổ chức theo nguyên tắc gần như đối xứng qua một trục vuông góc với mặt tiền: một phòng lớn ở giữa (37m x 10m) và các phòng phụ nhỏ nối dài sang hai bên.
Không gian nội thất được chiếu sáng lung linh bởi các ô cửa kính nhiều màu ở phần chân mái. Đây chính là phòng chờ cho hành khách, một không gian rộng lớn với các góc cạnh và đường nét ngay hàng thẳng lối, vừa uy nghi cao cả nhưng cũng thật giản dị. Đây là một công trình có kiến trúc đẹp và độc đáo của thành phố Đà Lạt và của cả nước ta. Trước đây, nhà ga Đà Lạt đã từng được đánh giá là một trong những nhà ga đẹp nhất tại Đông Dương.
Ngày 28 – 12 – 2001, ga Đà Lạt đã được công nhận là Di tích Kiến trúc cấp Quốc gia